Thạch xương bồ và những lợi ích bất ngờ
Từ lâu, y học cổ truyền nói chung và thảo dược trị liệu nói riêng luôn chiếm vị trí quan trọng trong nền y học thế giới. Trong đó có thạch xương bồ, vị thuốc quen thuộc được sử dụng rộng rãi với tác dụng khai khiếu, hóa đờm, thông khí… Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai khám phá những lợi ích bất ngờ, cũng như cách sử dụng thạch xương bồ hiệu quả nhé.
Tổng quan về thạch xương bồ
Thông tin chung
Dược liệu thạch xương bồ (Rhizoma Acori graminei) là thân rễ phơi khô của cây thạch xương bồ (Acorus gramineus), thuộc họ Ráy (Araceae). Hiện nay, quần thể loài đa dạng xuất hiện khắp thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á… Riêng ở Việt Nam, chi Acorus có khoảng 4 – 5 loài phân bố ở vùng núi từ bắc vào nam như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh,…
Phân biệt với loài thực vật khác cũng quen thuộc ở nước ta là thủy xương bồ (Acorus Calamus L).
Đặc điểm sinh trưởng của thạch xương bồ
Loài cây này thuộc cây cỏ sống lâu năm, thích nghi cao với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Thông thường trong tự nhiên, cây sống bám thủy sinh, trên đá dọc theo suối, tụ thành các khóm lớn. Đặc biệt, hệ thống rễ chùm bám chắc chắn trên bề mặt đá dù nước có chảy xiết. Ngoài ra, cây ra hoa quả hằng năm, hạt phát tán nhờ dòng nước và tái sinh mạnh mẽ.
Cây ưa bóng có thể trồng được trong vườn nhà để vừa làm cảnh vừa làm thuốc. Trồng bằng cách tách mầm, cắt bớt lá, rồi giâm nơi ẩm mát là cây sẽ sinh trưởng dễ dàng. Lưu ý thường xuyên giữ độ ẩm cần thiết để thực vật phát triển tốt hơn.2
Mô tả toàn cây thạch xương bồ
Chiều cao trung bình khoảng 0.5m, thân rễ phân nhánh, mọc ngang, dài 5 – 30cm, gồm nhiều đốt.2
Lá hình dải, mọc đứng, có bẹ mọc ốp vào nhau thành 2 dãy đối xứng. Đặc biệt, phiến lá phía dưới ngắn và hẹp hơn phía trên. Đầu lá thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, gân song song, gân giữa không nổi gồ.
Cụm hoa mọc ở đầu một cán dẹt, giữa túm lá tạo thành bông mo. Tiếp đó là một lá bắc to và dài vượt cao hơn cụm hoa rất nhiều. Bông hình trụ thuôn dần và hơi cong ở phần đỉnh, dài 5 – 10cm, mang rất nhiều hoa lưỡng tính. Bao hoa có 6 thùy, gồm 3 lá đài và 3 cánh hoa. Nhị 6, chỉ nhị ngắn, bầu thuôn chứa nhiều noãn.
Quả mọng, màu đỏ nhạt, bên trong chứa hạt được bao phủ bởi chất nhầy.
Sơ lược về dược liệu thạch xương bồ
Thu hoạch phần thân rễ ưu tiên chọn loại to, cứng chắc rồi rửa sạch tạp chất, xếp lên giàn. Tiếp theo, đốt lửa cho cháy hết rễ con và để giảm bớt độ ẩm. Sau đó, cắt thành đoạn ngắn khoảng 8 – 15cm, đem phơi nắng hoặc sấy khô ở 50 – 60 độ C. Vị thuốc có thể chất cứng, vết bẻ có nhiều xơ, vỏ màu nâu, thịt hồng hồng, mùi đặc trưng. Khi dùng có thể sao qua với cám gạo cho để thuốc khô ráo và dậy mùi thơm hơn.
Các hoạt chất giá trị của vị thuốc thạch xương bồ
Một số tài liệu ghi nhận về các hoạt chất giá trị của thạch xương bồ như:
- Dược liệu có chừng 0,5 – 0,8% tinh dầu, trong tinh dầu có chừng 86% asaron C12H16O3. Ngoài ra còn có một chất phenol và axit béo.
- Thân rễ chứa tinh dầu trong đó gồm α-asarone, β-asaron, gramenon, 1,2 dimethoxy-4 benzen,…
Lợi ích của thạch xương bồ đối với sức khỏe
Hỗ trợ các hệ cơ quan trong cơ thể
Hệ tiêu hóa
Một số minh chứng cho tác dụng của thạch xương bồ trên hệ đường ruột:
- Cân bằng dịch tiêu hóa và hạn chế sự lên men bất thường của dạ dày và ruột.4
- Giải tỏa bớt sự căng thẳng của cơ trơn trong ruột.4
Từ đó mà đối tượng sẽ ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó cũng giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày,…
Hệ tuần hoàn
Tài liệu cũng ghi nhận vị thuốc này có tác dụng kích thích đối với mạch máu, giúp tăng tuần hoàn lưu thông ở da hay các bộ phận khác của cơ thể.
Năm 1966, thực nghiệm trên lâm sàng của các tác giả Nguyễn Ngọc Doãn, Nguyễn Địch và Vũ Anh Vinh (Tạp chí y học Việt Nam, I: 8-14) ghi nhận:
- Xương bồ có khả năng dự phòng và trị loạn nhịp tim trên các loài động vật thỏ và chó. Theo đó, thảo dược giúp ổn định nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của chúng không bị rối loạn.
- Ngoài ra, trong lâm sàng ở người, vị thuốc còn hỗ trợ điều chỉnh rối loạn nhịp tim khi xảy ra trường hợp nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu… Với 10 – 15ml cao rượu thân rễ khô (tỷ lệ 1ml cao rượu: 1g xương bồ) dùng hàng ngày, thuốc đáp ứng khá tốt ở bệnh nhân nội trú cũng như ngoại trú.
Mặt khác, cần lưu ý khi dùng thạch xương bồ ở người có nhịp tim chậm hoặc huyết áp thấp. Bởi điểm nêu trên sẽ không có lợi cho họ, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn đối với các trường hợp đặc biệt.
Hệ thần kinh
Bên cạnh các ưu điểm trên, một số dữ liệu còn nhận định thạch xương bồ có tiềm năng cải thiện sự suy giảm trí nhớ gây ra bởi rượu và cả các nguyên nhân chưa xác định khác ở chuột nhắt trắng. Điều này mở ra tín hiệu mới trong điều trị các bệnh lý thần kinh ở người.
Hệ hô hấp
Hoạt chất có trong dược liệu như α-asarone, β-asarone… được đánh giá cao bởi chúng có tác dụng chống co thắt cơ trơn khí quản và hồi tràng cô lập ở chuột lang, gây bởi acetylcholin, histamin, serotonin. Trong đó, loại α-asarone là mạnh nhất. Bên cạnh đó, y học Trung Quốc còn ghi nhận vị thuốc có tác dụng long đờm, thông khí…
Kháng khuẩn
Năm 1982, nghiên cứu trong ống nghiệm của Trịnh Vũ Phi được đăng trên tạp chí Trung Hoa y học cho thấy, xương bồ có đặc tính sát khuẩn đối với một số chủng ngoài da.
Thạch xương bồ trong y học cổ truyền
Thạch xương bồ là vị thuốc quen thuộc thường gặp trong các bài thuốc đông y, bao gồm:
- Vị: Cay, đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, quy kinh Tâm, Can, Đởm.
- Công dụng: Khai khiếu, hóa đờm, thông khí, lợi tiêu hóa, sát trùng, tán phong hàn, trừ thấp, mạnh tâm thần,…
- Chủ trị: Các bệnh lý tiêu hóa kém, thần kinh suy nhược, bị phong thấp nhức xương, cảm gió, giúp sáng tai mắt, thông khiếu…
Cách sử dụng thạch xương bồ
Liều dùng: Dựa theo mục đích và chỉ định của thầy thuốc mà liều dùng thạch xương bồ sẽ được điều chỉnh. Thông thường liều trung bình từ 3 – 8g, dưới dạng thuốc sắc, dạng viên hoàn và thường phối hợp với vị thuốc khác, riêng dạng bột nên dùng liều 0,5 – 2g/ngày. Còn dùng ngoài không kể liều lượng chủ yếu đối với các trường hợp bệnh ngoài da, rửa trĩ,…2
Lưu ý, kiêng kỵ
Các trường hợp sau cần cân nhắc kỹ càng trước khi sử dụng vị thuốc:
- Thuộc chứng âm hư gồm biểu hiện như thể trạng gầy còm, miệng khô, khát nước, đổ mồ hôi trộm, nóng trong người, đại tiện khô táo, gò má đỏ, lưỡi đỏ rêu ít, mạch tế sác…
- Đối tượng hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi trong ngày hoặc người đang điều trị bệnh lý đặc biệt.
- Mẫn cảm hay kích ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vị thuốc.2
Một số bài thuốc sử dụng thạch xương bồ thường gặp
Chữa ho lâu ngày
Lá tươi giã nhỏ với hạt chanh, hạt quất, mắt gà đen (liều lượng bằng nhau) thêm đường hấp cơm uống, mỗi ngày 4 – 6g.
Chữa kinh nguyệt không đều
- Thạch xương bồ 8g.
- Đảng sâm 16g
- Thục địa và ngải cứu mỗi vị 12g
- Đương quy, xuyên khung, bạch thược, ngô thù du, trần bì mỗi vị 8g.
Sắc uống trong ngày 2 – 3 lần.
Chữa tiêu hóa kém, đau dạ dày
Thuốc viên có thạch xương bồ 0,025g, đại hoàng 0,025g, natri bicacbonat 0,2g, magie cacbonat 0,4g, bismuth bazơ nitrat 0,35g. Khuyến cáo ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên sau bữa ăn, điều trị liên tục trong 1-3 tháng.
Chữa suyễn mãn tính
- Thạch xương bồ 12g.
- Tang bì 10g.
- Thanh bì, ma hoàng, khoản đông hoa, cát cánh mỗi vị 8g.
- Tô tử, tiền hồ mỗi vị 6g.
- Cúc bách nhật 12 bông.
- Gừng sống 5 lát.
Đem tất cả sắc uống ngày/thang, mỗi lần dùng thêm 2g phèn phi, 2g phèn sống tán.