Bệnh sỏi tiết niệu trong Đông Y
Sỏi tiết niệu là tình trạng trong nước tiểu có các chất bất thường kết tụ lại trong bàng quang. Sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, gây ra các triệu chứng đau đớn khi sỏi di chuyển, đi tiểu đau nhói, nóng buốt,… Sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp, vì vậy từ xưa đã có các bài thuốc đông y trị bệnh sỏi tiết niệu. Điều trị bằng đông y có tính an toàn cao, hiệu quả vì vậy được nhiều người lựa chọn trong điều trị.
1. Nguyên nhân mắc bệnh sỏi tiết niệu
Một vài nguyên nhân được đánh giá là yếu tố chính gây nên sỏi tiết niệu gồm có:
- Do sự kết tụ các chất bất thường có trong nước tiểu dần dần tạo thành sỏi, sỏi nhỏ được gọi là sa lâm, sỏi to gọi là thạch lâm.
- Ăn uống nhiều đồ béo, đồ ngọt hoặc chế độ ăn uống không điều độ dễ làm tổn thương tỳ vị, thấp nhiệt nội sinh, uẩn kết ở hạ tiêu, nước tiểu bị hun đốt lâu ngày làm cho các tạp chất trong nước tiểu tụ lại thành sỏi.
- Do tình chí nội thương, can khí uất kết lâu ngày hóa nhiệt, do nhiệt xuống thận và bàng quang, hun đốt nước tiểu, lâu ngày tạo thành các sỏi
- Do thận hư, bị rối loạn khí hóa bàng quang khiến cho nước tiểu không được lưu thông thuận lợi, lâu ngày làm tạp chất tụ lại thành sỏi.
2. Triệu chứng bị sỏi tiết niệu
Triệu chứng phổ biến khi bị sỏi tiết niệu bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc đau thành từng cơn dữ dội vùng thắt lưng
- Đái khó, đái rắt, đau buốt,
- Nước tiểu vàng, trong nước tiểu có cặn, vẩn đục, thỉnh thoảng thấy có sỏi. sau khi tiểu ra sỏi thấy giảm đau buốt hơn
- Tình trạng nặng hơn thậm chí tiểu ra máu…
Giai đoạn đầu của sỏi tiết niệu thường là do thấp nhiệt, khí trệ huyết ứ. Giai đoạn sau của bệnh thường do tổn thương âm huyết chính khí, thận âm và thận dương đều hư gây ra chứng hư trung hiệp thực.
3. Bài thuốc đông y trị bệnh sỏi tiết niệu
Theo các bài thuốc Đông y, bệnh sỏi tiết niệu điều trị theo nguyên tắc thanh nhiệt hóa kiên là chủ yếu. Tùy vào các thể bệnh sỏi tiết niệu sẽ áp dụng bài thuốc điều trị nhất định.
3.1 Thể khí huyết ứ trệ:
- Đau quặn vùng thắt lưng, bụng, đau lan xuống bộ phận sinh dục ngoài
- Nước tiểu lẫn máu màu đỏ thẫm, hoặc lẫn máu cục
- Tiểu rắt, tiểu khó, đau
Sử dụng bài thuốc:
Tứ vật đào hồng gia vị
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Thục địa 12g
- Bạch thược 15g
- Xuyên khung 12g
- Đương quy 12g
- Đào nhân 8g
- Hồng hoa 10g
- Chỉ thực 10g
- Đại phúc bì 12g
- Uất kim 12g
- Kê nội kim 12g
- Liên kiều 12g
Sắc toàn bộ nguyên liệu trên, 1 ngày uống 1 thang.
3.2 Thể thấp nhiệt uẩn kết
Triệu chứng:
- Bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, vùng bụng dưới đau tức,
- Tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu có màu đục, lẫn máu hoặc ra sỏi, mạch huyền hoạt hoặc hoạt sác
- Rêu lưỡi vàng nhớt.
- Có thể thấp mạnh hơn nhiệt: Người bệu, rêu lưỡi nhớt, nước tiểu có màu đục, da nhớp nháp mồ hôi.
- Có thể nhiệt mạnh hơn thấp: Bị sốt, da khô, rêu lưỡi vàng khô, thường xuyên khát nước.
Sử dụng bài thuốc:
Thạch vĩ tán gia vị.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Thạch vĩ 15g
- Mộc thông 15g
- Xa tiền tử 20g
- Cù mạch 12g
- Hoạt thạch 12g
- Bạch linh 12g
- Hoàng bá 10g
- Cam thảo 08g
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
3.3 Thể thận hư ứ nước
Triệu chứng:
- Đau bụng và lưng âm ỉ,
- Đi tiểu tia nước tiểu yếu, bụng dưới tức đau,
- Cơ thể mệt mỏi
- Tình trạng bệnh nặng gây ra các triệu chứng khác như sợ lạnh, chân và tay lạnh, chất lưỡi nhợt bệu, mạch nhược.
Bài thuốc:
Tế sinh thận khí hoàn gia vị
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Thục địa 12g
- Hoài sơn 12g
- Sơn thù 10g
- Đan bì 12g
- Bạch linh 10g
- Trạch tả 15g
- Phụ tử 06g
- Quế chi 06g
- Xa tiền tử 20g
- Ngưu tất 12g
- Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
3.4. Thận âm hư
Triệu chứng:
- Đau bụng, đau lưng, lúc đau lúc không
- Bị hoa mắt, ù tai
- Cơ thể trong trạng thái buồn bực
- Miệng khô, ít rêu lưỡi, mạch vi sác
- Tiểu ít hoặc bị đái rắt, chất lưỡi hồng
Phương pháp điều trị:
Tư âm bổ thận, thông lâm bài thạch.
Bài thuốc điều trị:
Tả quy hoàn gia vị.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Thục địa 12g
- Hoài sơn 12g
- Sơn thù 10g
- Kỷ tử 10g
- Ngưu tất 12g
- Thỏ ty tử 12g
- Lộc giác giao 12g
- Quy bản 12g
- Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trên đây là những bài thuốc Đông y trị bệnh sỏi tiết niệu được đánh giá là có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh. Bạn có thể tham khảo, áp dụng theo.
Lưu ý: Mỗi bệnh nhận đều có thể trạng và các bệnh nền khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay các bài thuốc và vị thuốc từ Bắc dược đến Nam dược đều rất nhiều nên cách dụng thuốc của mỗi người sẽ khác nhau. Tuy nhiên cần có kiến thức chuyên môn, trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế trong khám, chữa bệnh để hiểu rõ nguồn gốc, tính dược các vị thuốc, cách phối hợp, tương sinh, tương khắc lẫn nhau rằng khi sử dụng. Vậy nên để tránh tình trạng lạm dụng thuốc và dùng sai thuốc thì bệnh nhân cần liên hệ với các thầy thuốc chuyên khoa để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp cho thể trạng, giảm nhanh các triệu chứng và điều trị tận gốc bệnh tật.