CÁC BÀI THUỐC HAY ĐIỀU TRỊ SUY SINH DỤC NAM (DƯƠNG NUY)

Bài 1: THANH TÂM KHỞI NUY.

Bài thuốc: Sơn chi tử 20g, Long đởm thảo 20g, Tri mẫu 10g, Hoàng bá 10g, Thổ phục linh 30g, Sinh địa hoàng 20g, Thiên môn 20g.

Công hiệu: Thanh tâm tả can khởi nuy.

Chủ trị: Chữa dương nuy thuộc thể tâm can hỏa vượng. Thấy dương vật không cứng, tâm phiền khát nước, hay nổi giận, mạch huyền sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Thận hư dương nuy không chọn dùng bài này.

Giải thích: Sách “Linh khu thiên cân” nói: “túc quyết âm chi cân kỳ bệnh âm khí bất dụng, thương vu nội tắc bất khởi” “cân thuộc kinh túc quyết âm, khi có bệnh thì âm hành không cương, là do bên trong bị tổn thương thì không cương cứng được.” Y học cổ truyền cho rằng âm hành thuộc can, can thận đồng nguyên(cùng một nguồn gốc) khi can kinh uất nhiệt lâu thì hóa hỏa dẫn xuống dưới làm hao tổn thận âm, thận khuy thủy thiếu nên không thể đưa lên tâm để tư dưỡng, hỏa tâm can thịnh thì làm tổn thương cân mạch, cân mạch tổn thương mà không cương cứng được. Do đó khi chữa chứng dương nuy cần phải phân rõ do âm hay dương thiên thịnh. Nếu thấy dương nuy mà vội dùng các loại thuốc tráng dương bổ thận như: Lộc nhung, Ba kích, Dương khởi thạch. Dương càng tráng thì dương vật càng teo không cử động, đó là hiện tượng cây thiếu nước nên khô héo cần phải tưới nước (tư âm). Do đó chứng dương nuy thuộc thể tâm can hỏa thịnh. Chữa nên thanh tả hỏa ở tâm, can. Trong bài Sơn chi tử thanh tâm tả hỏa; Long đởm thảo thanh can tả hỏa, trừ thấp nhiệt. Thổ phục linh thanh thấp nhiệt; Hoàng bá tả tướng hỏa; Sinh địa hoàng, Tri mẫu, Thiên môn tư âm tăng dịch, làm cho thận thủy được đưa lên giao thông với tâm, tâm hỏa hạ giáng mà không bốc lên nữa. Các vị thuốc phối ngũ trong bài vừa tả hỏa ở tâm can vừa tư âm dịch ở can thận làm cho cân được nhuận mà phần dương đang héo rũ được khởi.

 

Bài 2: SƠ CAN KHỞI NUY 

Bài thuốc: Sài hồ 15g, Bạch thược 20g, Mẫu đơn bì 15g, Long đởm thảo 15g, Ý dĩ nhân 20g, Xuyên luyện tử 12g.

Công hiệu: Sơ can thanh nhiệt khởi nuy.

Chủ trị: Chữa chứng dương nuy do can đởm thấp nhiệt hạ chú. Chứng thấy âm hành không cương cứng, hoặc cương mà không cứng, bìu dái hâm lở, cơ thể nặng nề, tâm phiền khát nước, tiểu ngắn đỏ, lưỡi hồng rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Thận dương hư không nên chọn dùng bài này.

Giải thích: Sách “Y thuật” nói rằng: “người còn trẻ mà bị dương nuy có nguyên nhân là do thất chí, chữa nên thư uất……..thông ý chí, thì dương khí tự thư, mà nuy tựkhởi vậy.” Trong bài Sài hồ, Mẫu đơn bì, Bạch thược, Xuyên luyện tử có tác dụng sơ can uất để giải cơ; Long đởm thảo tả can đởm mà thanh thấp nhiệt; Ý dĩ nhân thanh nhiệt lợi thấp. Các vị cùng dùng có công dụng sơ can lợi đởm, thanh nhiệt khử thấp. Lòng ngực đầy tức gia Uất kim 15g; Lưng gối yếu sức gia Tang ký sinh 20g; Mất ngủ hay mơ mộng gia Hợp hoan bì 15g, Thấp nhiệt nhiều gia Sơn chi tử 12g, Hoạt thạch 20g.

 

Bài 3: DỤC ÂM KHỞI NUY 

Bài thuốc: Hoàng Bá 10g, Trạch tả 20g, Mẫu đơn bì 20g, Sinh địa hoàng 20g, Quy bản 30g, Miết giáp 30g.

Công hiệu: Dục âm tiềm dương khởi nuy.

Chủ trị: Chữa dương nuy thể âm hư dương kháng kèm thấy lưng gối yếu sức, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô lưỡi ráo, tiểu ngắn đỏ, cầu bón, lưỡi hồng ít rêu, mạch tế sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Thận dương hư không chọn dùng bài này.

Giải thích: Trong bài Quy bản, Miết giáp dưỡng âm tiềm dương; Hoàng bá tả tướng hỏa mà tư thận thủy; Mẫu đơn bì tư âm thanh nhiệt; Sinh địa hoàng, Trạch tả thanh nhiệt tả thận hỏa. Các vị cùng dùng có công dụng tư thận âm mà hư hỏa tự giáng, tông cân (dương vật) nhuận mà tự khôi phục chức năng.

DI TINH

Bài 1: ĐƠN TRẠCH LIÊN TU 

Bài thuốc: Mẫu đơn bì 40g, Trạch tả 40g, Liên tu 40g.

Công hiệu: Tả tướng hỏa, chỉ di tinh.

Chủ trị: Chữa di tinh do tướng hỏa vọng động, tâm phiền hay mộng, miệng khô họng ráo, hoặc tai ù mồ hôi trộm, tiểu vàng đục, lưỡi hồng, rêu vàng, mạch huyền sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Di tinh do thận khí hư không dùng bài này.

Giải thích: Thận âm hư thì tướng hỏa vọng động, quấy nhiễu tinh thất, tinh quan không cố nên tinh dịch tự chảy. Chữa nên tả thận hỏa mà sáp tinh. Trạch tả, vị ngọt nhạt tính hàn, là thuốc tiết nhiệt giáng trọc, có thể tiết tướng hỏa trong thận để bảo tồn âm dịch. Cho nên “Bản thảo thông huyền” nói rằng: “tướng hỏa vọng động mà di tiết, được Trạch tả thanh mà tinh tự tàng. Khí hư hạ hãm mà tinh hoạt, nhờ Trạch tả giáng xuống mà tinh hết hoạt.”  Vì vậy trên lâm sàng cần phải chú ý biện chứng khi sử dụng. Mẫu đơn bì có tác dụng lương huyết tả tướng hỏa, “sách bản thảo cầu chân” nói rằng: “Đơn bì có thể tả hỏa trong âm, làm cho hỏa lui mà âm sinh, có thể vào kinh túc thiếu âm mà hổ trợ tư bổ.” Liên tu cố thận sáp tinh chỉ thống, “bản kinh phùng nguyên” nói: “Liên tu, thanh tâm thông thận, vị chát, nên là thuốc quan trọng để bế sáp tinh khí.” 3 vị cùng dùng có công dụng tả hỏa, sáp tinh chỉ di.

Bài 2: THANH NHIỆT LỢI THẤP CHỈ DI 

Bài thuốc: Sơn chi tử 10g, Long đởm thảo 10g, Sinh địa hoàng 30g, Trạch tả 10g, Xa tiền thảo 20g, Thổ phục linh 30g.

Công hiệu: Thanh nhiệt lợi thấp chỉ di.

Chủ trị: Chữa di tinh do can đởm thấp nhiệt. Chứng thấy di tinh, phiền táo dễ nổi giận, ngực sườn đầy tức, mặt tai đỏ tía, đại tiện bón kết, tiểu vàng, lưỡi hồng rêu vàng nhớt, mạch hoạt hoặc huyền sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Thận dương hư không nên dùng bài này.

Giải thích: Di tinh, có nguyên nhân là do nguyên dương hư suy, tinh quan bất cố; Có nguyên nhân là do tâm tướng hỏa vượng, tinh mất sự bế tàng; Có nguyên nhân là do thấp nhiệt hạ chú nhiễu động tinh thất. Khi chữa thì phải xem xét nguyên nhân từ đó mới biện chứng. Nguyên dương không đủ nên bổ thận sáp tinh; Tâm tướng hỏa vượng thì nên tả hỏa ở tâm thận; Thấp nhiệt thì nên thanh nhiệt lợi thấp. Trên lâm sàng không thể thấy di tinh thì tùy tiện cho rằng là do thận hư gây ra, vội dùng các thuốc tráng dương bổ sáp. Bài này chữa di tinh do nhiệt ở can đởm hạ chú xuống mà gây ra. Chữa nên thanh can lợi đởm, tả thấp trọc, chỉ di tinh. Trong bài Sơn chi tử, Long đởm thảo có tác dụng thanh tả thấp nhiệt ở can đởm; Sinh địa hoàng thanh lương tả hỏa; Xa tiền thảo lợi thấp tả trọc; Trạch tả, Thổ phục linh tả trọc, thanh thấp, giải độc. Các vị cùng dùng để thanh thấp nhiệt, tinh thất an ninh, di tinh tự cầm.

Bài 3: THANH TÂM SÁP TINH 

Bài thuốc: Bách hợp 30g, Mạch môn 12g, Liên tu 10g, Khiếm thực 30g, Phục thần 20g, Bạch thược 30g.

Công hiệu: Thanh tâm giáng hỏa, sáp tinh chỉ di.

Chủ trị: Chữa mộng di thấy tâm phiền nhiều mộng, tinh theo mơ mà ra, thần chí hốt hoảng, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch sác.

Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang sắc với 3 chén nước (600 ml) còn lại 1 chén rưỡi (300 ml). Uống ấm 3 lần trong ngày, mỗi lần nửa chén.

Cấm kỵ: Tinh hoạt mộng di do thận dương hư không nên dùng bài này.

Giải thích: Trương Cảnh Nhạc đời Thanh cho rằng: “tinh tàng chứa ở thận, mà chủ tể là tâm.” Dụ Gia Ngôn đời Thanh nói rằng: “tâm là phủ tình dục.” tâm tư không được như ý, làm tổn thương tình dục, tư tưởng vô cùng mà mơ thấy ảo ảnh, ý dâm du ngoại, sắc dục trống rỗng nên tinh theo mộng mà tự ra. Chữa nên thanh tâm giáng hỏa, điều tình chí. Trong bài dùng Bách hợp có tác dụng “liễm khí ích tâm, an thần định hồn”, Phục thần an thần định chí; Mạch môn thanh tâm tả hỏa; Bạch thược nhu can sơ can; Liên tu, Khiếm thực sáp tinh chỉ di. Các vị cùng dùng trong thanh có sáp, sáp mà không trệ là bài thuốc tốt để chữa mộng di.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *