DLKH – Dựa trên nền tảng y lý phương Đông, Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng học thuyết Thủy hỏa, ứng dụng một cách khoa học và sáng tạo trong y học cổ truyền. Mà cụ thể là thang căn bản Bát vị, đã được gia giảm và nâng cao lý luận công năng chữa trị, để trở thành bài thuốc huyền thoại giúp duy trì tuổi thanh xuân.
Học thuyết Thủy hỏa của Hải Thượng Lãn Ông
Trong y văn cho rằng: “Thầy thuốc (Đông y) mà không biết đến Lục vị, Bát vị thì coi như mất đi quá nửa”. Đây là bài thuốc do Danh y Trương Trọng Cảnh (Trung Quốc- thời Hậu Hán) nghiên cứu và lập phương, gồm 8 vị: Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Bạch linh, Mẫu đơn bì, Trạch tả, Nhục quế, Phụ tử.
Bài Lục vị dựa trên bài này nhưng bớt đi 2 vị: Nhục quế, Phụ tử, do không thích hợp với trẻ em. Đặc biệt, bài thuốc này được Hải Thượng Lãn Ông dùng và nâng cao lý luận về công năng chữa bệnh có thể nói là thần diệu của nó.
Theo lý luận Đông y: Tạng Thận là quan trọng bậc nhất của cơ thể. Tất cả bệnh tật của con người rốt cuộc rồi cũng liên hệ tới thận, vì thận là nguồn gốc của trăm thứ bệnh. Xét trăm bệnh gây ra không bệnh nào là không vì hỏa, mà hỏa phát ra không khi nào là không do hư, vì gốc chứng hư không khi nào là không do thận.
Vì thủy là nguồn của muôn vật, hỏa là cha của muôn vật, nguồn hay cha đều căn bản ở thận cả. Hễ thận nguyên đầy đủ thì mọi thể hiện đều yên và bệnh tật không có nữa. Người ta có sự sống đều nhờ vào tác dụng của âm- dương, thủy- hỏa, mà thận là cái rễ của âm dương, thủy hỏa.
Nếu âm dương mất điều hòa, thủy hỏa thiên lệch thì trăm bệnh sinh ra ngay, mà cách cứu chữa âm không gì bằng làm mạnh chân thủy, bổ dương không gì bằng làm ích chân hỏa, mà thận cũng vừa là thủy cũng vừa là hỏa, cho nên cứu âm cứu dương mà không tìm chủ của nguồn thủy hỏa, bỏ rơi tạng thủy hỏa, bỏ bài Lục vị, Bát vị thì không tìm thấy cửa, tất không có lối vào, cũng như trồng cây mà muốn bỏ rễ liệu cây có sống đươc không?
Đó là cơ sở lý luận để Hải Thượng Lãn Ông xây dựng học thuyết và ứng dụng một cách khoa học và vô cùng sáng tạo; mà theo GS.TS Phạm Xuân Sinh: “Đó là học thuyết Thủy hỏa hay còn gọi là học thuyết tâm thận, được Hải Thượng Lãn Ông xây dựng dựa trên cơ sở của các học thuyết âm dương, ngũ hành, tạng tượng của y học cổ truyền Đông phương”. Và việc vận dụng bài Lục vị, Bát vị cũng dựa trên nguyên lý chung đó.
Thực tiễn ứng dụng
Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Tôi kinh nghiệm chữa bệnh đã lâu, biết rằng sự thần diệu của cổ phương không bài nào bằng các bài Lục vị, Bát vị, thật là thuốc thánh để bảo vệ sinh mạng, nếu mà hiểu sâu được ý nghĩa gặp từng loại bệnh mà suy rộng ra thì càng dùng thấy càng hay, đem chữa bệnh nào mà chẳng được”.
Về công dụng của bài Lục vị, Bát vị: “Chữa trẻ con thuần dương (hay sốt nóng) thì nó sinh thêm thiên quý để cứu bệnh không có âm. Chữa bệnh kinh huyết thì nó bổ cho chân thủy để tưới nhuần vào chỗ huyết khô, huyết bế. Chữa bệnh vô sinh nam thì nó bổ thận, bồi dưỡng ngũ tạng, sinh tinh, làm cho tinh khí mạnh mẽ, rất dễ thụ thai.
Chữa bệnh vô sinh nữ thì nó bổ chân âm điều hòa khí huyết kinh nguyệt, dưỡng trứng và nuôi dưỡng dạ con (tử cung). Uống lúc có mang thì nó giữ vững bào thai. Uống sau khi đẻ thì nó bồi dưỡng thêm tinh huyết…. Dùng thường xuyên thì tinh huyết dồi dào da và sắc mặt hồng hào, sức khỏe dẻo dai, gân xương rắn chắc”.
Điều chủ yếu là cách dùng nó như thế nào? Theo kinh nghiệm điều trị thực tiễn, tôi thấy rằng, vị thục địa là quan trọng nhất, chế kỹ rồi đem nấu cao hoặc giã nhuyễn ra trộn vào phần thuốc bột còn lại của bài thuốc, không nên sấy khô tán bột sẽ mất tác dụng, không còn bổ thận nữa.
Các vị còn lại tùy bệnh mà bào chế và gia giảm, chẳng hạn như sơn thù tẩm rượu, hoài sơn, bạch linh tẩm sữa tươi hấp chín, phơi khô để dùng, đơn bì, trạch tả tẩm muối, sao khô. Ngoài ra còn có thể gia thêm các vị như: đỗ trọng, tục đoạn, câu kỷ tử, nhục thung dung, huỳnh tinh, thỏ ti tử, ngũ vị tử, mạch môn, ngưu tất, ba kích, đương quy, bạch thược…
Đông y cho rằng, thận là gốc rễ của sinh mệnh và ngũ tạng lục phủ. Thời niên thiếu, thận khí sung thịnh, cơ thể phát triển và trưởng thành dần dần. Qua tuổi trung niên, thận khí bắt đầu suy, thì cơ thể suy yếu và lão hóa dần dần. Đó chính là một trong những của tạng Thận: “Gốc của tiên thiên, chủ sinh trưởng phát dục”. Sự “thần diệu” của bài Lục vị, Bát vị là giúp tạng thận khỏe mạnh, qua đó duy trì sức sống và sự trẻ trung.
- Biến thể bài thuốc Bát vị trong Đông .